Ngày càng có nhiều người muốn đến thăm và tìm hiểu phong tục tập quán,văn hoá của đất nước Ấn Độ – nơi được mệnh danh là miền đất của Phật. Nơi đây nổi tiếng là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, có những truyền thống văn hoá vô cùng độc đáo. Vậy khi hành hương đến nơi này, bạn cần lưu ý những gì? Hãy tham khảo bài viết chia sẻ kinh nghiệm đi Ấn Độ sau nhé.
Table of Contents
Kinh nghiệm đi Ấn Độ dành cho bạn
Giờ, thời tiết
Việt Nam đi trước Ấn Độ 1g 30’ (ví dụ, ở Việt Nam là 15g 35’ thì ở Ấn Độ sẽ là 14g 05’ phút)
Khí hậu ở Ấn chia ra làm 3 mùa là mùa hè, mùa mưa và mùa đông. Ban đêm ở Ấn Độ rất lạnh, đặc biệt là các vùng phía Bắc, bạn nên mang theo áo ấm để mặc vào buổi tối. Từ tháng 9 đến tháng 3 là thời điểm lý tưởng để có thể thăm thú quốc gia này vì thời tiết vào thời gian đó khá dễ chịu.
Thời gian làm việc ở Ấn
Các ngân hàng: làm việc từ 9g đến 16g từ thứ 2 đến thứ 6 (thứ bảy, chủ nhật đóng cửa)
Các nhà hàng, quán ăn: mở cửa từ 9g đến 21g (vào các dịp lễ hội sẽ đóng cửa đến khi qua lễ)
Siêu thị, cửa hàng: mở cửa từ 9g đến 21g hàng ngày
Tiền tệ
Tiền của Ấn Độ là rupee, 50 rupee tương đương với 1 USD, 1 rupee tương đương 400 VNĐ.
Lưu ý:
Dollar và pounds dễ chi trả hơn so với các loại tiền tệ khác ở đây.
Nếu xài séc du lịch thì bạn chỉ có thể xài chúng ở những ngân hàng lớn.
Luôn đổi tiền tại nơi đã được cấp phép, nếu không bạn vừa phạm pháp lại vừa có nguy cơ đổi phải tiền giả. Đổi tiền tại các trung tâm giao dịch quốc tế lớn hay ngân hàng thì bắt buộc phải có visa, hộ chiếu.
Bạn cũng có thể đổi tiền tại sân bay hay một vài khách sạn năm sao nổi tiếng.
Ngôn ngữ
Tiếng Hindi và tiếng Anh là hai ngôn ngữ phổ biến nhất ở Ấn Độ, ngoài ra còn nhiều ngôn ngữ/phương ngữ khác. Vì đặc trưng của từng vùng miền lại có một phương ngữ riêng biệt tại đất nước đông dân thứ hai thế giới này mà tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng nhất, mọi người đều có thể sử dụng và nghe hiểu được.
Trang phục
Nên chọn những loại trang phục thoải mái, kín đáo vì Ấn Độ là một quốc gia còn hà khắc về phương diện trang phục này, đặc biệt là đối với trang phục của phái nữ. Bởi Ấn Độ có nhiều đền, chùa nên mặc quần áo kín đáo cũng là một yêu cầu bắt buộc với những ai muốn tham quan các địa điểm tôn giáo linh thiêng này.
Khách sạn
Cửa khoá tự động được lắp đặt ở các khách sạn ở Ấn Độ. Khi ra ngoài, bạn chỉ việc đóng cửa là cửa sẽ tự khoá lại, không bấm khoá, vì nếu bấm khoá thì cửa sẽ khoá hai lần, không thể mở cửa được dù có chìa.
Ẩm thực
Ấn Độ là một nước có nền ẩm thực phong phú và đặc sắc, với vô số những gia vị khác nhau như masala, cary,… Đồ ăn Ấn cực kỳ cay nên những ai không ăn cay được phải nhớ mang theo lương khô như mì gói, đồ hộp,… để phòng hờ. Vì là quốc gia đa tôn giáo nên tôn giáo cũng ảnh hưởng đến ẩm thực. Những người theo đạo Hồi không ăn thịt heo và những người theo đạo Hindu không ăn thịt bò nên một vài quán ăn, nhà hàng không có những món ăn này.
Khi ăn, người Ấn Độ dùng tay không chứ không dùng nĩa, đũa để lấy thức ăn. Đặc biệt, họ chỉ dùng tay phải, tuyệt đối không dùng tay trái vì theo quan niệm của họ, tay trái không được sạch sẽ và lấy thức ăn bằng tay trái là biểu hiện của việc không tôn trọng người xung quanh.
Phương tiện di chuyển
Tại Ấn Độ, các phương tiện di chuyển rất đa dạng, tha hồ cho các bạn lựa chọn. Tàu hoả là phương tiện giao thông được khách du lịch yêu thích nhất khi di chuyển qua lại giữa các thành phố bởi chi phí rẻ hơn nhiều so với các loại khác. Đi tàu hoả ở Ấn luôn được đảm bảo về an ninh và thời gian lịch trình chính xác. Vé được bán ở các quầy vé tại nhà ga và cả ở trên mạng.
Một sự lựa chọn khác cho các bạn để di chuyển nhanh chóng là chọn các hãng hàng không nội địa, vé máy bay nổi địa của các hãng IndiGo, Spice Jet… khá rẻ.
Nếu di chuyển trong nội thành thì bạn nên lựa chọn rickshaw, một loại xe ba bánh kéo phổ biến của Ấn Độ, giá trung bình cho 10 km là 50 rupee, bạn nên cẩn thận kiểm tra xem xe đã mở đồng hồ tính km chưa (đối với những xe tính phí bằng đồng hồ đo km) hoặc mặc cả giá hợp lý rồi mới ngồi vào xe để tránh việc bị chặt chém.
Phong tục tập quán
Người Ấn không có thói quen tiếp xúc thân thể với những người mình giao tiếp ở nơi công cộng, họ không bắt tay, ôm hay hôn. Để chào hỏi và thể hiện sự thân thiện, họ hay chắp tay vái nhẹ và khẽ nghiêng đầu. Khi giao tiếp với người Ấn, ta nên tránh đề cập đến chuyện cá nhân của họ, bàn về nạn đói hay các viện trợ nhân đạo Ấn Độ nhận được từ nước ngoài.
Khi tham quan các đền thờ, bạn không được đeo các trang sức hay mặc các loại trang phục bằng da.
Mua sắm
Ở thủ đô Delhi có vô số khu chợ bán sỉ và bán lẻ, và cả những khu chợ chuyên bán đồ da với những mẫu mã đẹp mắt, đa dạng. Nhưng bạn cần lưu ý phải xem xét hàng hoá thật kỹ và nhớ là phải luôn trả giá trước khi mua bởi những nơi đó thách giá rất cao.
Khi mua đồ trong siêu thị, vì hàng hoá đã được niêm yết giá rồi nên bạn không cần phải mặc cả nhưng đối với những quầy hàng tư nhân được thuê lại trong siêu thị, bạn vẫn cần trả giá để tránh việc mua đồ với giá cao ngất ngưỡng.
Những chiếc khăn cashmere hay ngọc trai Bengal nổi tiếng khắp thế giới bị làm giả rất nhiều, nên bạn nếu có ý định mua những món đồ này nên xem xét về chất lượng thật kỹ lưỡng.
Hy vọng qua bài viết trên, các bạn sẽ đúc kết cho mình những kinh nghiệm đi Ấn Độ thật hữu ích. Bạn hãy ghé thăm Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin thú vị khác nhé.